Giao lưu trực tuyến 60 phút cùng BS Nguyễn Minh Mẫn khoa thần kinh về vấn đề mất ngủ
Giao lưu trực tuyến cùng thạc sĩ bác sĩ Nguyễn Minh Mẫn, Khoa Thần kinh – tâm lý Bệnh viện Đại học Y dược tư vấn trên anmiengiac.com về bệnh mất ngủ đang gặp hiện nay ở giới trẻ, phụ nữ mang thai và ở người cao tuổi.
(Nguyễn Thị Kiều Anh – 38 tuổi – Hà Nội) – Em bị rối loạn giấc ngủ 4 năm nay. Biểu hiện: Khó vào giấc, nhanh tỉnh giấc, ngủ không sâu nên sáng ra rất mệt mỏi, trưa lại không ngủ được. Mặc dù đã thả lỏng cơ thể trước khi ngủ, tập thể dục đều đặn nhưng không cải thiện nhiều lắm. Em đã điều trị tại một số bệnh viện, thậm chí có cả châm cứu. Xin bác sĩ tư vấn giúp.
– Chào bạn Kiều Anh, Triệu chứng “khó vào giấc ngủ, nhanh tỉnh giấc, ngủ không sâu” như bạn mô tả thường liên quan đến những rối loạn lo âu, căng thẳng (stress). Do đó, bạn cần phải phối hợp nhiều giải pháp trị liệu: Vệ sinh giấc ngủ, giảm stress, tâm lý trị liệu và dùng thuốc đúng cách.
Vệ sinh giấc ngủ:
– Trước khi lên giường đi ngủ: Bạn Không nên đọc những truyện quá lôi cuốn hấp dẫn, không xem tivi trên giường ngủ, không cãi cọ hay tranh luận vấn đề gì đó căng thẳng, không dùng chất kích thích (cà phê, trà, thuốc lá, chocolate, vitamin C), không ăn tối quá trễ, quá no, không uống nhiều nước trước ngủ 2 giờ, không tập thể thao nặng buổi tối và đặc biệt không nên lạm dụng thuốc ngủ.
– Nên ngủ và dậy đúng giờ, dậy ngay khi thức giấc (đừng nằm “nướng”), lên giường ngủ ngay khi buồn ngủ, ăn nhẹ uống cốc sữa nóng buổi tối, tắm nước ấm, massage nhẹ, thư giãn, tạm quên những lo toan, phòng ngủ thoáng mát, ánh sáng dịu mát (không nên bố trí ánh sáng trắng), giường gối êm ái, mùi thơm dịu nhẹ.
Giảm stress: Có nhiều cách tuỳ từng cá nhân, từng loại stress trong công việc, bạn nên cần thảo luận trực tiếp với chuyên gia tâm lý.
Thuốc ngủ: Không nên quá lạm dụng nhưng cũng không nên sợ mà cực đoan đến mức không dám dùng để phải chịu đựng cảnh mất ngủ kéo dài. Đặc biệt việc dùng thuốc ngủ phải theo sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa Thần kinh, Tâm thần sau khi đã được khám và chẩn đoán chính xác các yếu tố liên quan.
– Thưa bác sĩ, tôi có một câu hỏi về bệnh mất ngủ của mình. Tôi thường xuyên mất ngủ lý do là đầu tôi luôn suy nghĩ về công việc và mọi thứ, giống như tôi không điều khiển được đầu của mình. Chính xác giống như một cái máy, tôi làm nghề IT(công nghệ thông tin), tôi có cảm giác như trước đây tôi làm ra phần mềm để điều khiển máy, thì giờ máy điều khiển lại tôi. Bác sĩ vui lòng cho tôi lời khuyên về việc điều trị hoặc phương pháp gì giúp tôi có thể ngủ dễ và sâu hơn. (Đặng Ngọc MINH, 38 tuổi, 87 Linh Dong Thủ Đức, TP. HCM)
– Nếu bạn muốn máy vi tính nghỉ hoàn toàn thì phải tắt máy. Tương tự, nếu bạn muốn ngủ được thì bạn phải học cách tạm dừng suy nghĩ về công việc và mọi thứ trước khi lên giường ngủ. Giường ngủ chỉ nên để làm hai việc thôi: Ngủ và hoạt động tình dục. Não người có tính ưu tiên, nếu bạn tập trung vào việc này thì sẽ lờ mờ chuyện khác. Do đó, để dừng suy nghĩ bạn nên tìm một lý do để tập trung vào, ví dụ, tập trung vào nhịp thở trong thở thiền, tập trung vào một điểm nào đó trong phòng. Bên cạnh đó cần luôn chú ý “vệ sinh giấc ngủ” như tôi đã đề cập ở trên nhé.
———————————
Cháu chào bác sĩ, cháu năm nay 28 tuổi, cháu chưa lập gia đình. Tình trạng của cháu như sau: Cháu cảm giác thấy rất khó ngủ, bình thường nằm cháu chỉ nằm tầm 15-30 phút mới ngủ được, nhưng cũng không sâu giấc và hay bị tỉnh giấc vào ban đêm. Sáng dậy cháu cảm thấy người rất mệt mỏi, dù đã thử chữa bằng thuốc Tây và thuốc Bắc nhưng cháu đều không hiệu quả. Vậy cho cháu hỏi bệnh của cháu có cách chữa không? Mất ngủ làm cơ thể gầy đi, cháu cao 1,7 m nhưng nặng chỉ 55 kg. (Đỗ Văn Hoàn, 28 tuổi, Hà Nội)
– Việc nằm từ 15 – 30 phút mới ngủ được đó là chuyện bình thường. Giấc ngủ không sâu, hay tỉnh giấc đêm cháu cần xem mình có đang gặp vấn đề lo âu gì không? Có bệnh lý đường hô hấp gây ngáy nhiều, ngưng thở khi ngủ không? Thận có bị suy yếu gây tiểu đêm nhiều làm tỉnh giấc đêm không? Cháu cần đến khám ở chuyên khoa Thần kinh, Tâm thần để chẩn đoán trước khi trị liệu.
Lưu ý: Không được “thử tự chữa” cho dù là thuốc Tây hay thuốc Bắc, Nam. Cháu nên thực hiện “vệ sinh giấc ngủ”, giảm stress đúng cách, ăn uống những thứ an thần, dưỡng tâm như lá vông nem, lạc tiên, đọt nhãn lồng, sữa hạt sen, tham khảo thêm các bài tập yoga để giúp cải thiện thêm… trước khi tìm đến bác sĩ nhé.
———————————
Chào bác sĩ. Tôi là Nguyễn THị Hạnh, năm nay tôi 56 tuổi, tôi bị mất ngủ đã lâu năm. Xin hỏi bác sĩ có cách nào cải thiện được không bác sĩ? Do đặc thù công việc là lao công môi trường nên tôi phải thức dậy từ khá sớm khoảng 2 – 3h đêm. Trưa đi làm về nghỉ cũng không ngủ được nhiều, chỉ nhắm mắt cho đỡ mỏi thôi. Tối cũng khó ngủ, phải 12h mới ngủ được. Mong bác sĩ chỉ cho tôi cách chữa trị tốt nhất. Cảm ơn.
– Nếu phải thức dậy sớm lúc 2-3 giờ sáng, bạn nên tập ngủ sớm lúc 8 – 9h tối và không nên ngủ trưa. Kiên trì thực hiện “vệ sinh giấc ngủ” như tôi đã đề cập ở trên, đồng thời bạn nên tập thư giãn, tập thiền trong tư thế nằm thoải mái, thẳng lưng. Nếu bạn đã có chồng thì tình cảm vợ chồng hoà thuận, thăng hoa cũng là liều thuốc tự nhiên vô cùng quý báu để có giấc ngủ ngon.
———————————
Bác sĩ ơi một tháng này em bị mất ngủ từ 4h30 là thức dậy không tài nào ngủ tiếp được. Em không ngủ ngày mà chỉ ngủ từ 22 đến 4h30. Xin hỏi ngủ vậy có thiếu ngủ quá không bác sĩ? (trần văn linh, 39 tuổi)
– Giấc ngủ đủ của một người trưởng thành rơi vào khoảng 6-8 tiếng đồng hồ. Thời gian ngủ của bạn 6 tiếng rưỡi mỗi đêm, như vậy là không thiếu. Nếu bạn ngủ sâu (chất lượng ngủ tốt), thức dậy không mệt mỏi, làm việc bình thường thì không có gì phải lo lắng nhé.
———————————
Kính thưa bác sĩ. Em năm nay 34 tuổi. Xin bác sĩ tư vấn cho em về tình trạng giấc ngủ chập chờn, không sâu giấc, thường xuyên bị mê man, nhất là thời điểm gần sáng. Ngủ dậy thường cảm thấy cơ thể mệt mỏi. Em còn bị đau phía sau gáy, có thời điểm em cảm giác phía sau gáy bị sưng lên do ngửa cổ ra đằng sau thấy vướng. Điểm chẩm phía sau gáy bên trái thường xuyên đau nhức cảm giác như tiếng mạch đập thành tiếng. Đôi khi ngủ tai nghe tiếng gió ù ù hoặc nổ lốp bốp phải ngồi dậy ấn vào tai một lúc thì hết. Kính mong nhận được tư vấn của bác sĩ. (Lê Linh, 34 tuổiNam Từ Liêm – Hà Nội)
– Việc bị đau nhức xương khớp cũng là một trong những lý do có thể gây mất ngủ. Để biết rõ tình trạng của mình, bạn nên đến khám tại chuyên khoa Thần kinh, trình bày việc đau cổ gáy, hạn chế vận động cổ và yêu cầu kiểm tra thêm các nguyên nhân khác gây mất ngủ. Thực tế có nhiều trường hợp bệnh nhân chữa khỏi các nguyên nhân gây đau nhức, giấc ngủ tự nhiên sẽ ngon.
———————————
Chào bác sĩ. Tôi bị mất ngủ 14 năm nay, thường xuyên tỉnh giấc vào lúc 2-3h30 và không tài nào ngủ tiếp được. Tôi đã có đi khám ở chuyên khoa Thần kinh, uống thuốc theo đơn Bác sĩ, tập thể dục và tắm nước nóng trước khi đi ngủ nhưng không cải thiện được tình trạng mất ngủ. Bác sĩ có thể tư vấn cho tôi tới khám ở một chuyên khoa nào để có thể chữa khỏi bệnh. Xin cảm ơn (Nguyễn Thanh Thịnh, 40 tuổi, Giải Phóng – Hà Nội)
– Bạn không cho biết đi ngủ lúc mấy giờ, tổng thời gian ngủ mấy tiếng, giấc ngủ có sâu, ngon không nên tôi chưa thể đưa ra chẩn đoán và lời khuyên cụ thể được? Bạn có thể đến phòng khám Tâm lý Bệnh viện Đại học Y Dược vào sáng thứ tư, hoặc đăng ký khám phòng khám rối loạn giấc ngủ nhé.
– Chào bác sĩ, cháu nay 23 tuổi. Cháu thường xuyên bị nhức đầu vào ban đêm. Mỗi khi nhức đầu kéo dài khoảng 2 – 3h, nhức nhiều nhất ở phía sau đầu khiến em không thể ngủ được. Hỏi bác sĩ về cách điều trị và nhức đầu như vậy có ảnh hưởng đến sức khỏe hay bị bệnh gì không? (Lê Hoàng Sang, 23 tuổi)
– Triệu chứng đau đầu ban đêm, khoảng 2-3 giờ sáng, gây mất ngủ, cần phải được tìm nguyên nhân cẩn thận. Cháu cần phải được khám Thần kinh, chụp CT scan hoặc MRI não để loại trừ khối choán chỗ nội sọ (như u não). Nếu không có khối choán chỗ nội sọ, việc xử trí tuỳ thuộc vào lý do gây đau đầu mà bác sĩ chuyên khoa Thần kinh chẩn đoán.
———————————
Nhờ bác sĩ tư vấn giúp em: Mẹ cháu năm nay 65 tuổi. Cách đây 20 năm mẹ cháu có bị nấm dẫn đến nhiễm trùng mắt và phải phẩu thuật lấy một mắt. Sau phẩu thuật cơ thể mẹ yếu dần và nhất là bệnh mất ngủ dần dần tấn công mẹ. Cách khoảng hơn 10 năm đến nay mẹ cháu bị mất ngủ thường xuyên và đã trị bệnh nhiều nơi: Đại học y dược, Hòa Hảo và kể cả bệnh viện tâm thần Biên Hòa. Những đêm uống thuốc an thần thì mẹ cháu ngủ được khoảng một đến 2 giờ đồng hồ. Không uống thuốc an thần thì hầu như thức trắng đêm. Đến nay uống thuốc an thân mà có đêm không ngủ được tí nào, người rất mệt mỗi. Ngoài ra thì mẹ cháu có thêm bệnh viêm xoang cũng thường xuyên trị bằng thuốc Đông y. Nhìn thấy mẹ như vậy cháu rất đau lòng nhưng không biết phải làm sao để giúp mẹ. Xin bác sĩ tư vấn và có cách giúp em với. Em biết ơn bác sĩ rất nhiều. (VÕ ĐÌNH TẠI, 26 tuổi, XUÂN LỘC, ĐÀ NẴNG)
– Tình trạng mất ngủ của mẹ cháu cần được đánh giá tổng quát một cách cẩn thận, nhất là các bệnh lý thực thể có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ. Mẹ cháu lại từng bị nấm mắt 20 năm trước nghĩa là hệ miễn dịch của mẹ bạn yếu, cần xem có đái tháo đường, có đau nhức khớp không. Việc dùng thuốc có corticoid ngay cả dùng thuốc Đông y chữa viêm xoang một số nơi có trộn corticoid trong đó. Bản thân thuốc này gây giảm hệ miễn dịch và thuốc cũng có thể gây khó ngủ.
Bên cạnh đó, với người lớn tuổi, bệnh kéo dài, có thể có trầm cảm tiềm ẩn hoặc phối hợp gây ra mất ngủ. Mất ngủ kéo dài làm trí nhớ giảm sút, thể chất mệt mỏi, tinh thần sa sút, ăn uống kém ngon…thúc đẩy trầm cảm nặng hơn, toàn trạng xấu hơn.
Cháu có thể đưa mẹ trở lại tái khám tại phòng khám giấc ngủ Bệnh viện ĐH Y Dược hoặc đến phòng khám Tâm lý BVĐHYD vào sáng thứ tư, để được khám và tư vấn, trị liệu thích hợp, bạn nhé. Khi đi khám, nhớ mang theo tất cả hồ sơ sức khoẻ cũ để khỏi làm lại tốn thêm tiền.
———————————
Em thường hay mất ngủ. Lý do: Có những lần em nhậu nhiều liên tục 3-4 ngày liền. Sau đó rồi bị mất ngủ, mặc dù cảm giác trong người rất mệt mỏi, buồn ngủ, nhưng không tài nào có thể ngủ được. Xin bác sĩ tư vấn biện pháp khắc phục cho em. Xin cảm ơn. (châu ngọc cẩn, 37 tuổi)
– Rượu là một trong những chất kích thích, có thể đưa người uống vào giấc ngủ nhanh khi say, nhưng không kéo dài giấc ngủ và thức dậy dễ mệt mỏi, uể oải và nặng đầu… Không những thế, rượu còn ảnh hưởng đến sức khoẻ chung, nếu dùng kéo dài, nghiện, có thể có những bệnh khác như gan, dạ dày, bệnh gút, suy giảm trí nhớ… Tự bạn đã nhận thấy sau khi nhậu nhiều, liên tục 3-4 ngày liền thì xảy ra mất ngủ. Do đó, cách khắc phục, tốt nhất, bạn nên giảm uống rượu lại, tuần có thể 1-2 lần, giãn cách ra, lượng rượu mỗi lần cũng đừng nhiều quá.